Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015 là sự kiện lớn, đánh dấu bước tiến mới về hội nhập kinh tế của toàn khối Đông Nam Á, với mục tiêu lâu dài là thúc đẩy sự luân chuyern tự do hàng hóa dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề cao, cùng dòng vốn tự do hơn. Bài viết thử phân tích cách thách thức đối với ngành bán lẻ, lĩnh vực được dự báo dễ bị tổn thương nhất, mà VN sẽ phải đối mặt khi tham gia AEC.
AEC và sự chuẩn bị của ASEANASEAN có dân số hơn 600 triệu người (chiếm 9% dân số thế giới) với tổng giá trị GDP năm 2014 ước tính khoảng 2,5 nghìn tỷ USD, là một thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà bán lẻ quốc tế. Theo dự đoán của Economist Intelligence Unit, thị trường bán lẻ châu Á tiếp tục tăng trưởng với mức tăng lũy tiến năm 2016 đạt khoảng 6,8%, tương đương khoảng 11,8 nghìn tỷ USD. Trong đó, quy mô thị trường bán lẻ năm 2016 của sáu nước lớn trong khối ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, dự kiến đạt được 1,16 nghìn tỷ USD.
Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà bán lẻ thế giới và châu Á như Carrefour (châu Âu), Metro Cash & Carry (Đức), Big C (Pháp), Aeon, FamilyMart (Nhật), Lotte Mart (Hàn Quốc)… đã và đang quan tâm mở rộng xâm nhập vào khu vực. Trong khi đó, chính quyền và các doanh nghiệp bán lẻ trong nội khối cũng ráo riết chuẩn bị cho AEC.
Về mặt chính sách, Chính phủ Singapore tiếp tục nhấn trọng tâm vào việc xây dựng hạ tầng tiên tiến nhất và khuyến khích các mô hình mua sắm mới như kênh online và mobile. Chính phủ Malaysia ban hành nhiều điều luật khắt khe về tiêu chuẩn xây dựng bắt buộc đối với các trung tâm mua sắm, yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có ít nhất 30% cổ phần góp từ phía nội địa. Malaysia cũng xây dựng định vị chiến lược cho ngành bán lẻ nước này tập trung vào những mặt hàng xa xỉ như thời trang, đồ trang sức… với tên gọi “Malaysia cao cấp”, nhằm cổ động hình ảnh quốc gia là điểm đến mua sắm miễn thuế hàng cao cấp.
Để chuẩn bị thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường VN, Thái Lan cũng đã có hẳn các dự án, lập quỹ tín dụng, thành lập các trung tâm hợp tác với doanh nghiệp VN, thuê tư vấn là người VN, thậm chí còn tiến hành cả những chương trình đào tạo bồi dưỡng về tiếng Việt cho những quan chức Thái Lan làm việc có liên quan đến VN.
Ngành bán lẻ Việt Nam trước thềm AECDự báo của hãng nghiên cứu Statista (Đức) cho rằng, thị trường bán lẻ của VN có thể đạt tới 100 tỷ USD/năm vào năm 2016, khá trùng khớp với dự báo của Economist Intelligent Unit. Một báo cáo mới đây của Công ty TNHH CB Richard Ellis (CBRE) cũng cho thấy, VN nổi lên như một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng trong số 10 thị trường hấp dẫn nhất châu Á năm 2014, khi các nhà bán lẻ quốc tế cho biết họ sẽ chọn VN làm thị trường đầu tư với tỷ lệ ngang bằng Hong Kong và Singapore, chỉ sau Trung Quốc. Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM đều nằm trong top 10 thị trường bán lẻ sôi động nhất châu Á – Thái Bình Dương.
Với sự ra đời của AEC, thách thức lớn trong lĩnh vực bán lẻ là việc các DN VN không chỉ cạnh tranh với nhau và với các DN ngoài khối, mà còn phải cạnh tranh trực diện với các DN ASEAN. Đáng lưu ý, VN cam kết không hạn chế về nguồn gốc các sản phẩm phân phối trong các cơ sở bán lẻ nước ngoài. Do đó, các cơ sở này có toàn quyền quyết định bán loại hàng hóa nào, nguồn gốc VN hay nước ngoài, tại các cửa hàng, siêu thị của họ. Một hệ quả có thể thấy là cùng với sự thâm nhập mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài vào thị trường, các sản phẩm hàng hóa của VN sẽ khó có chỗ đứng trên các quầy kệ siêu thị.
Năm 2015, thị trường bán lẻ trong nước đón nhận luồng đầu tư mới từ nước ngoài khi VN cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, không cần đợi đến ngày AEC có hiệu lực, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có nhiều hoạt động tại thị trường VN. Các công ty Metro Cash & Carry (Đức), Big C (Pháp), Aoen và Takashiyama (Nhật), Circle (Mỹ), Lotte và E-Mart (Hàn Quốc), Dairy Farm (Hong kong), Parkson (Malaysia), FairPrice (Singapore)… đều có kế hoạch tăng vốn đầu tư, mở thêm các trung tâm mua sắm mới. Có mặt tại VN từ giữa năm 2005, chuỗi cửa hàng Shop & Go (Singapore) đã trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích đứng đầu về quy mô với hơn 110 điểm và không ngừng mở rộng.
Đặc biệt, chỉ riêng Thái Lan đã có nhiều tập đoàn lớn thâm nhập thị trường VN như CP Group, Berli Jucker (BJC) và mới đây là nhà bán lẻ hàng đầu Central Group. B’Mart (Thái Lan) đến sau nhưng nhờ mua lại chuỗi cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) nên mức độ bao phủ dày đặc với 96 cửa hàng, dự kiến sẽ đạt con số 300 cửa hàng vào năm 2018. Các tỷ phú người Thái còn thâu tóm các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại như Metro, Nguyễn Kim... Một khảo sát mới đây cho thấy, 52% doanh nghiệp Thái Lan cho rằng cơ hội lớn nhất của họ là ở thị trường nội địa của VN. Hầu hết các nhà bán lẻ Thái Lan nhận định, thị trường VN có những nét tương đồng với Thái Lan, dễ xâm nhập và họ có nhiều kinh nghiệm phân phối cũng như phát triển sản phẩm ở thị trường này.
Trong khi đó, VN chỉ có một vài doanh nghiệp bán lẻ nội địa đáng kể. Nổi bật là Saigon Co.op đang có 72 siêu thị Co.opMart, 86 cửa hàng Co.op Food, gần 200 cửa hàng Co.op, 1 đại siêu thị Co.opXtraPlus và 1 trung tâm thương mại Sence City. Kế đến là Công ty Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi Citimart có 26 siêu thị; Công ty An Phong có 6 trung tâm thương mại Maximark; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn có 2 siêu thị và 42 cửa hàng Satra Food; Công ty Nhất Nam với chuỗi siêu thị Fivimart; Tổng công ty Thương mại Hà Nội có một số siêu thị và các cửa hàng Hapro… Sự kiện đáng chú ý là tập đoàn Vingroup vừa mua lại chuỗi siêu thị của Ocean Retail Group, đổi tên thành VinMart Retail Group và nắm 10% vốn điều lệ Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex - chủ sở hữu chuỗi bán lẻ VinatexMart). Với thương hiệu mới này, Vingroup đã công khai tham vọng vẽ lại bức tranh bán lẻ nội địa, đặt kế hoạch xây dựng mới hoặc mua lại 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện lợi đến năm 2017, đồng thời dự định xây dựng thêm 9 trung tâm thương mại trên cả nước.
Trước sức ép của các đối thủ nước ngoài, một số chuỗi cửa hàng của Fivimart, Intimex đã phải thu hẹp quy mô hoạt động tại những thành phố không phải thị trường chính. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ trong nước đã lựa chọn hợp tác với nước ngoài thay vì phát triển độc lập, chẳng hạn Trung Nguyên hiện là đối tác với Aeon để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi Minishop tại VN. Saigon Coop Mart – nhà bán lẻ hàng đầu VN, đã liên doanh với tập đoàn bán lẻ lớn nhất Singapore là NTUC Fairprice Mart vào năm 2010 trong việc mở các đại siêu thị. Một công ty lớn khác trong lĩnh vực bán lẻ là Phú Thái thì liên kết với Family Mart thành lập công ty liên doanh VinaFamilyMart, trong đó cơ cấu vốn góp của Phú Thái chiếm đa số.
Trong khi đó, cơ hội đưa hàng Việt thâm nhập các nước ASEAN cũng chưa mấy khả quan. Hầu như các công ty bán lẻ VN chưa có chiến lược dài hạn tận dụng AEC để phát triển quy mô ra thị trường khu vực. Trong thực tế, chỉ một số mặt hàng có thương hiệu mạnh, mạng lưới phân phối rộng mới vào được siêu thị các nước trong khu vực. Phần lớn các mặt hàng Việt khác xuất ngoại khó khăn vì hàng rào kỹ thuật được lập lên dày đặc ở các nước và không có nhà bán lẻ VN đầu tư tại chỗ.
Đề xuất một số giải pháp
Trước hết, Nhà nước cần quan tâm hơn đến cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ. Chẳng hạn, VN đã đưa ra một số tiêu chí và cam kết công khai quy trình áp dụng kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong việc cấp phép cho các cơ sở bán lẻ của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tại VN, nhưng trong thực tế hầu như chưa áp dụng triệt để. Với một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng như VN, việc sử dụng ENT như một công cụ thương mại hữu ích để bảo vệ ngành bán lẻ cũng như các doanh nghiệp còn non trẻ trong nước là điều cần quan tâm.
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp trong nước cần nắm bắt thông tin về tiến trình AEC, đặc điểm thị trường và luật pháp các nước ASEAN, cũng như các đối thủ cạnh tranh nội khối. Các dòng thuế quan sẽ dần được gỡ bỏ, nhưng để tận dụng được các cơ hội thì doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, tỷ giá, quyền sở hữu trí tuệ, mạng phân phối… của nước sở tại. Do đó, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ đào tạo về thông tin thị trường, chính sách xúc tiến thương mại của các thị trường nội khối.
Mặt khác, mỗi doanh nghiệp phải chọn phương cách kinh doanh phù hợp, tìm cách vận động, đổi mới hệ thống phân phối, quảng bá và làm thương hiệu, đa dạng hóa hình thức bán lẻ, thay đổi phương thức sản xuất… Doanh nghiệp Việt cần tăng cường năng lực quản trị, chuyên nghiệp hóa trong phân phối từ chuỗi cung ứng và dịch vụ, theo đuổi chiến lược phát triển đa dạng hóa nguồn hàng. Trước sức ép cạnh tranh cũng như để nắm bắt cơ hội, một số doanh nghiệp chọn liên doanh với các đối tác nước ngoài để tận dụng thế mạnh thương hiệu, nguồn vốn cũng như kinh nghiệm của họ. Những doanh nghiệp bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung ứng, bảo đảm nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng như Co-opmart, MaxiMark, Satra Foods… đã bước đầu chiếm lĩnh thị trường bán lẻ nội địa. Vấn đề cơ bản là phải làm sao để doanh nghiệp sản xuất trong nước cùng phát triển vững mạnh song hành với doanh nghiệp bán lẻ.
TS. Bùi Văn Danh