Cụm từ “Cross – Docking” nếu dịch đúng nguyên văn thì nó hoàn toàn sai với ý nghĩa kỹ thuật trong vận tải và logistics. Vậy, chúng ta nên hiểu nó theo đúng với ý nghĩa kỹ thuật của logistics mà chúng ta thường xuyên tiếp cận hàng ngày trong công việc.
Khái niệm Cross – DockingTrong logistics, Cross – Docking là kỹ thuật đem lại hiệu quả đáng kể trong hoạt động khai thác kho bãi nói riêng. Hay đơn giản, gọi chung là “kho” hoặc trung tâm phân phối, đảm trách một số hoạt động như: nhận, lưu trữ, tìm kiếm, đóng gói và phân loại đơn hàng…
Cross – Docking xuất hiện vào những năm 1980 khi mà logistics phát triển mạnh ở Bắc Mỹ và phương Tây, hoạt động kho bãi và phân phối của công ty Wall-Mart ở Hoa Kỳ trở nên sầm uất. Kỹ thuật Cross – Docking được thực hiện tại một địa điểm để chuyển hàng hóa trực tiếp từ vị trí nhận hàng đến vị trí chuyển hàng đi mà không dừng lại hay đưa vào dự trữ, do đó, sẽ cắt giảm được chi phí cũng như gia tăng hiệu quả khai thác hoặc nhận hàng hóa lưu trữ rồi ngay lập tức xếp lên xe tải để chở đến nơi quy định.
Có thể chia Cross – Docking thành 3 phương thức: Cross – Docking trong sản xuất: Thành phẩm sẽ được chuyển thẳng đến vị trí xuất hàng thay vì được chuyển vào kho lưu trữ. Cũng có thể đặt vào một khu vực nào đó, chờ để xuất, sau một vài tiếng đồng hồ, hay được áp dụng theo phương pháp là nguyên vật liệu nhận vào sẽ được chuyển thẳng đến sản xuất thay vì nhập kho.
Cross – Docking trong phân phối: Thành phẩm được chở trong xe tải đầy hàng, gồm những kiện hàng lẻ khác nhau. Những kiện hàng lẻ sẽ được phân loại thông qua một hệ thống phân loại băng tải, rồi chuyển đến cửa xuất hàng. Hàng hóa trong quá trình phân loại có thể được chờ để chuyển đi như trong phương pháp Cross – Docking trong sản xuất.
Cross – Docking gom hàng: Một hoạt động phổ biến trong phương pháp này là dán nhãn hàng hóa để tiện lợi khi gom hàng (dịch vụ này do nhiều logistics 3PL cung cấp, có tên là Consolidation Service). Hàng hóa vận chuyển đến có thể kết hợp với một số hàng hóa có ở trong kho hoặc có thể gom chung với hàng hóa vận chuyển đến từ nơi khác.
Kỹ thuật cross – docking giúp gia tăng tốc độ di chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp đến người tiêu dùng (như khuyến mãi – thực hiện sản xuất đúng hạn); giúp giảm đáng kể các loại chi phí như: lưu kho, khai thác, nâng hạ container, diện tích kho, giảm lượng tồn kho, tồn kho an toàn giảm hư hại trong quá trình khai thác, tiết kiệm nhân lực, phương tiện vận tải… bảo đảm dòng chảy hàng hóa nhanh chóng trong kho bãi.
Yêu cầu của Cross – DockingNét đặc trưng của Cross – Docking là thời gian hàng hóa chuyển đến kho và địa điểm xuất hàng được biết trước. Như vậy, việc trao đổi thông tin, sự tích hợp hệ thống và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác liên quan phải kịp thời và chính xác, nên hệ thống quản lý kho (WMS), hệ thống công nghệ chuyển giao dữ liệu điện tử (EDI) và công nghệ nhận dạng tự động (Auto ID) cần thiết sử dụng nhanh chóng và chính xác giữa các đối tác bao gồm: nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối, cửa hàng… Hàng hóa cần có số nhận dạng thường là mã số hoặc thẻ RF (thẻ nhận dạng bằng sóng vô tuyến) nếu sử dụng công nghệ RFID.
Tùy tình hình khai thác mà thiết kế kho bãi phù hợp với quy trình công nghệ lựa chọn và thiết bị đặc chủng. Thông thường, hoạt động Cross – Docking cần một diện tích khiêm tốn vừa phải để chuyển hàng trực tiếp từ vị trí nhận hàng đến vị trí trong kho. Mẫu thiết kế kho phổ biến nhất của Cross - Docking là hình dạng chữ nhật.
Ứng dụng của Cross – DockingCross – docking được ứng dụng phổ biến trong nhiều hoạt động của ngành logistics, bao gồm: sản xuất, phân phối, vận tải. Trong hoạt động sản xuất thường được sử dụng để gom những linh kiện hoặc phụ tùng từ những nhà cung cấp khác nhau, để chuẩn bị cho hoạt động đúng hạn.
Trong phân phối, kỹ thuật này dùng để gom những lô hàng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau để chuyển đến một khách hàng hoặc cửa hàng xác định (kỹ thuật này thường được các 3PL và các hàng hóa lẻ thực hiện). Trong vận tải sẽ đem lại lợi thế về quy mô, do đó tiết kiệm được chi phí gom nhiều lô hàng trên những xe tải không đầy hàng (LTL) để xuất đi thành những xe tải đầy hàng. Ở VN được thực hiện chủ yếu bởi các 3PL khi gom hàng từ nhiều nhà máy tại VN và xuất đi cho khách hàng nước ngoài (ví dụ: APL Logistics, Mearsk Logistics, OOCL Logistics…).
Anh Đào - Theo vlr.vn