Slogan
FTA ảnh hưởng đến Việt Nam?

FTA ảnh hưởng đến Việt Nam?

30/03/2016
Bắt đầu năm 2016, động lực mới nhất, có tầm ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế và phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp việt nam trong giai đoạn mới là hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

ẢNH HƯỞNG TÍCH CỰC

Nếu như gia nhập WTO được xem là bước khởi đầu cho nền kinh tế VN hội nhập, thì các hiệp định FTA và đặc biệt là TPP sẽ đánh dấu bước trưởng thành thật sự của nền kinh tế thị trường, đem lại nhiều lợi ích nền tảng cho nền kinh tế VN.

TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho VN, thể hiện ở các mặt: Về kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của VN tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế NK về 0% sẽ tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động XK của nước ta. Các ngành XK quan trọng như dệt may, giày da, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch XK sang các thị trường này.

Đặc biệt, đối với ngành dệt may, với quy mô XK đủ lớn, VN sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp VN tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may XK và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh khác.



Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại VN trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ... để đón đầu TPP. Do đó, có cơ sở để khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn khi TPP được thực thi, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất hàng XK mà còn trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bất động sản…

Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo cho VN các cơ hội nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp VN có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

… NHỮNG THÁCH THỨC


Tuy nhiên, tham gia TPP cũng đặt ra một số thách thức nhất định đối với nền kinh tế VN. Thách thức lớn nhất là sức ép cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Mặc dù VN có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh trong ngành chăn nuôi chưa thật sự tốt. Dự kiến đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.

Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn vì các nền kinh tế trong TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng XK mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh so với cơ cấu mặt hàng XK của VN.

Về mặt xã hội, cạnh tranh tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số DN, trước hết là các DN vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ SX và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với VN, nên ngoại trừ một số ít ngành nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn.

VN đã chủ động và tích cực hội nhập từ khá lâu, gia nhập ASEAN từ năm 1996, tham gia Hiệp định BTA với Hoa Kỳ năm 2001, Hiệp định BIT với Nhật Bản năm 2003, gia nhập WTO vào năm 2007 và tiếp theo đó là rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Gần đây nhất, trong năm 2015, VN đã ký kết thêm 2 Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh Á-Âu, kết thúc đàm phán FTA với EU. Như vậy, có thể nói, nước ta không còn quá xa lạ với hội nhập kinh tế quốc tế. Trên thực tế, VN là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong TPP, do đó cũng là nước sẽ gặp phải thách thức lớn nhất, nhưng cũng là nước dự kiến có được cơ hội cao nhất khi TPP được đưa vào thực thi.

Thành Phương - Theo vlr.vn